Doanh nghiệp có thể “chết” ngay cả khi kinh doanh có lãi


Doanh nghiệp có thể “chết” ngay cả khi kinh doanh có lãi – điều phi lý ấy lại thường xuyên xảy ra.


Hiện nay có một thực trạng ở nhiều công ty là hoạt động bán hàng tăng trưởng tốlaixkinh doanh có lãi, hợp đồng thậm chí có giá trị lớn, nhất là tại các công ty xây lắp, nhưng nếu không kiểm soát được dòng tiền tương đồng với doanh thu, không quản lý tốt kỳ hạn nợ của khách hàng thì doanh thu tăng (tăng trưởng) cũng không ích gì.
Một vài hậu quả cụ thể của việc doanh nghiệp không kiểm soát được dòng tiền có thể kể đến như dưới đây.

Doanh nghiệp bị phá sản hoặc giải thể bán thanh lý tài sản để trả nợ vì không đủ khả năng thanh toán

Khi doanh nghiệp không đủ tiền thanh toán các khoản nợ đến hạn, nếu bị kiện thì có thể tự nguyện hoặc bắt buộc phá sản. Hoặc một hậu quả tương tự là không thanh toán được các khoản nợ đến hạn như lương nhân viên, nhà cung cấp (đầu vào) thì sớm muộn cũng bị nhân viên đình công, không có nguyên vật liệu để sản xuất.
Ở chiều ngược lại nhiều doanh nghiệp cố gắng mua chịu (chiếm dụng vốn) của bên bán, trong khi đầu ra tiêu thụ với tốc độ chậm hơn, khi các khoản nợ đến hạn với giá trị lớn hơn so với doanh thu tiêu thụ có thể thu tiền ngay thì cũng dẫn tới tình trạng mất cán cân thanh toán.
Doanh nghiệp phải “rượt đuổi” tiền, rượt đuổi hợp đồng nếu rơi vào trạng thái mất cán cân thanh toán.
Ở trạng thái này, chắc chắn dẫn tới một hệ lụy là “sử dụng các khoản tiền không đúng mục đích”, ví dụ tiền trả lương được mang đi trả nợ, tiền trả nợ được mang đi trả ngân hàng… và cứ như vậy khi đạt tới đỉnh điểm thì sự cám dỗ của tín dụng đen là khó cưỡng. Một khi đã dính vào tín dụng đen để tài trợ dòng tiền cho công ty thì coi như cầm chắc cái “chết” của công ty trong tương lai rất gần.
Trong quan hệ đối tác, nếu doanh nghiệp ở trạng thái tăng trưởng tốt nhưng thiếu tiền thì biểu hiện thường thấy trong đàm phán là chấp nhận thua thiệt về giá, về hồ sơ, về điều kiện mua bán để cố gắng đạt lấy giá trị doanh thu có thể thu tiền ngay.

Mặt khác, vì bị bẫy “lợi nhuận” và “tăng trưởng” che mắt nên nhầm tưởng rằng cứ đổ tiền/ xoay được tiền thì sẽ cải thiện tình hình, nhưng kết cục lại không như bạn nghĩ, bạn càng “xoay” thì vòng xoáy thiếu tiền càng lớn… Khi đó chỉ có 2 cách cứu được bạn là “thu tiền ngay từ bán hàng, kể cả phải chấp nhận giảm giá sâu” và vốn chủ sở hữu. Còn lại, tất cả các nỗ lực xoay vần tài chính khác của CEO đều chỉ dẫn tới “mớ bùng nhùng” phức tạp hơn hoặc thậm chí không nhìn thấy cửa thoát trong dài hạn.
Một nguyên nhận được rất nhiều doanh nghiệp nhận ra sau khi đứng bên bờ vực phá sản là không đồng bộ công tác tài chính kế toán giữa các chi nhánh/ các công ty con mà chỉ làm kế toán thuế theo cách “đối phó” cho xong.
Một khi công ty của bạn rơi vào khó khăn tài chính do thiếu hụt dòng tiền, CEO hoặc Ban quản lý công ty sẽ đổ hơn 80% tâm trí và sức lực cho chuyện “xoay tiền”, tức là chẳng thể tỉnh táo và khôn ngoan mà tính chuyện kinh doanh, cạnh tranh, chiến lược và nâng cao năng lực quản trị được nữa. Do vậy, trước khi nghĩ đến lập chiến lược cạnh tranh với đối thủ, chủ doanh nghiệp cần quản lý dòng tiền trong công ty để đảm bảo đơn vị mình có một sức khỏe lành mạnh.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét